Có lẽ đây là vấn đề mà nhiều người băn khoăn nhất. Không giải quyết được khâu này, hỏa táng vẫn bế tắc. Theo nhà Phật, dù thiêu hay chôn thì thân xác của người chết không còn cảm giác nóng hay lạnh vì khi tứ đại tan rã, hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác để đi tái sinh sang cõi khác. Hoả thiêu, thân xác người chết được thiêu nhiệt 3.000 độ thì không còn là gì nữa.
Sau khi thiêu xong, nhà quàn cho cốt vào máy nghiền. Chỉ còn Calcium, màu đen hay xám trắng. Thịt da đã bay tiêu hết, không mùi không vị. Cốt không là gì hết, đó chỉ là chất âm. Sử lý với tro cốt thế nào đang là bài toán khó bởi nó mới hoàn toàn so với địa táng truyền thống.
Để tro cốt ở đâu? Đức Phật không để lại một huấn thị rõ ràng về vấn đề này, vì Ngài muốn chúng ta hiểu xác thân chỉ là sự hỗn hợp của vật chất và sau khi chết, những thứ này lại trở về các nguyên tố Đất, Nước, Gió, Lửa. Phần tro cốt còn lại chỉ là biểu tượng cuối cùng của người qua đời, là người thân mà ta thương yêu.
Chúng ta nên kính trọng, tuy nhiên, không nên quyến luyến quanh những biểu tượng này mãi, không nên quá ưu tư với quá khứ của họ hay nghĩ rằng chúng ta chẳng còn liên hệ gì với người đã chết ngoài nhớ thương những gì tốt đẹp nhất. Đạo Chúa nói là “thân xác là cát bụi phải trở về cát bụi”, đạo Phật nói “thân xác là nhân duyên, thần thức vô mượn xác làm con người”. Vậy, thái độ của chúng ta:
Lại đem ra nghĩa địa xây một ngôi mộ? dù nhỏ hơn mộ táng thì cũng không giải quyết được bài toán tiết kiệm đất đai.
Có nên mang tro cốt về giữ trên bàn thờ trong nhà? Cũng có nhiều gia đình có quan niệm thờ cúng một phần tro cốt trong nhà. Nhưng phương án này xem ra cũng không ổn, bởi sự bất tiện về tâm linh, về không gian, Các chuyên gia phong thủy cũng khuyên là không nên. Bởi tro cốt chứa nhiều âm khí sẽ không tốt cho người sống.
Đem lọ tro gửi nhà chùa? Hiện nay, có nhiều gia đình đang chọn cách này nhưng xem ra cũng chưa phải cách tối ưu, nhà chùa có mặt bằng hạn chế không thể đáp ứng mãi. Phí bảo quản, lễ lạt… cũng khá nhiêu khê.
Để tro cốt trong vườn có am thờ? Cũng tốt nhưng với những nhà không có vườn đủ rộng khó có thể thực hiện.
Trên thế giới có nhiều cách sử lý, cụ thể có nơi rắc tro cốt xuống rừng cây, sông, biển, có nơi chôn xuống đất và trồng cây lưu niệm lên trên, có nơi chôn và dựng một tấm bia nghĩa là rất nhiều cách, quan trọng là ước muốn của người chết di chúc lại hoặc quyết định của thân nhân họ.
Có chuyên gia đặt vấn đề, các công viên vĩnh hằng hay các nghĩa trang phổ thông nên có một khu riêng hoặc cả quả đồi hoặc khoét sâu vào lòng núi hoặc nhà xây kiểu chuyên biệt để bảo quản lọ tro, trưng bày theo địa phương, giới tính hay dòng họ… chẳng hạn, lọ tro phải được thiết kế đẹp, nhỏ, gọn, cùng kích cỡ, không gian bảo quản phải thông thoáng, có thể trưng bày thêm tranh, tượng, kỷ vật… như một bảo tàng về những người đã khuất.
Con cái muốn báo hiếu, trước hết nên tự mình tu tâm dưỡng tính, sau đó nên chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cha mẹ có cuộc sống tốt đẹp khi còn hiện hữu trên trần gian. Còn khi đã mất người đời thường muốn lưu giữ những kỷ niệm của người thân đã khuất, cũng tốt đó là những bức ảnh, thư từ, những hũ tro cốt, những nấm mồ thường được quan tâm đặc biệt.... Những ngày giỗ kỵ, lễ tết, thường ôn lại kỷ niệm về người đã đi xa, người thân mất đi, những người còn lại tiếc thương luôn cầu mong, cầu nguyện cho người ra đi được về cõi lành, do đó có niềm tin tôn giáo, nên có lễ cầu nguyện, cầu siêu. Tất cả đều làm an lòng người sống. Trở lại việc để tro cốt ở đâu, ngoài ý kiến gợi ý của các nhà khoa học, rất cần mọi người cùng suy nghĩ và hiến kế. Chính điều này cũng phụ thuộc vào tầm nhìn của mỗi người trong xã hội./.